Pioglitazone
Thông tin hoạt chất chỉ mang tính chất tham khảo chung. Để biết chi tiết của từng thuốc, mời bạn xem hướng dẫn sử dụng trong trang chi tiết.
Nhóm thuốc
Hocmon, Nội tiết tố
Tổng quan (Dược lực)
Pioglitazone là thuốc được sử dụng trong điều trị đái tháo đường type 2 thuốc nhóm thiazolidinedione (glitazone).
Dược động học
Hấp thu: Khi uống lúc đói, pioglitazone có thể đo được trong huyết thanh trong vòng 30 phút, với nồng độ đỉnh đạt được trong vòng 2 giờ. Thức ăn làm chậm nồng độ đỉnh trong huyết thanh đến 3-4 giờ nhưng không thay đổi mức độ hấp thu. Nồng độ trong huyết thanh của pioglitazone và tất cả các chất chuyển hóa đạt đến trạng thái bình ổn trong vòng 7 ngày. Ở trạng thái bình ổn, hai chất chuyển hóa có hoạt tính của pioglitazone là chất chuyển hóa III và IV có nồng độ trong huyết thanh bằng hoặc cao hơn pioglitazone. Ở cả người tình nguyện khỏe mạnh lẫn bệnh nhân tiểu đường type 2, pioglitazone chiếm khoảng 30% đến 50% nồng độ đỉnh trong huyết thanh của toàn bộ pioglitazone và 20% đến 25% tổng diện tích dưới đường cong nồng độ trong huyết thanh và thời gian (AUC).
Phân phối: Dung lượng phân phối biểu kiến trung bình của pioglitazone sau khi uống liều duy nhất là 0,63 ? 0,41 (giá trị trung bình ? độ lệch) L/kg thể trọng. Pioglitazone gắn kết mạnh với protein (99%) trong huyết thanh người, chủ yếu với albumin huyết thanh. Pioglitazone cũng gắn kết với những protein huyết thanh khác nhưng với ái lực kém hơn. Các chất chuyển hóa M-III và M-IV cũng gắn kết mạnh với albumin huyết thanh (> 98%).
Chuyển hóa: Pioglitazone được chuyển hóa mạnh bằng cách thủy phân và oxy hóa, các chất chuyển hóa cũng được chuyển một phần thành dạng kết hợp với glucuronide và sulfate. Các chất chuyển hóa M-II và M-IV (dẫn xuất hydroxyl của pioglitazone) và M-III (dẫn xuất keton của pioglitazone) có hoạt tính dược lý ở thú vật thử nghiệm tiểu đường type 2. Ngoài pioglitazone, M-III và M-IV là những dạng có liên quan với thuốc chủ yếu được tìm thấy trong huyết thanh người sau nhiều liều dùng. Ở trạng thái bình ổn, ở cả người tình nguyện khỏe mạnh lẫn bệnh nhân tiểu đường type 2, pioglitazone chiếm khoảng 30% đến 50% tổng nồng độ đỉnh trong huyết thanh và 20% đến 25% tổng AUC.
Thải trừ: Sau khi uống, khoảng 15% đến 30% liều dùng pioglitazone được tìm thấy trong nước tiểu. Thải trừ qua thận của pioglitazone thì không đáng kể và thuốc được bài xuất chủ yếu dưới dạng các chất chuyển hóa và dạng kết hợp của các chất chuyển hóa. Người ta cho là hầu hết liều uống được bài xuất trong mật nguyên dạng hoặc dưới dạng các chất chuyển hóa và thải trừ trong phân. Thời gian bán hủy trung bình trong huyết thanh của pioglitazone biến thiên từ 3 đến 7 giờ và của toàn bộ pioglitazone biến thiên từ 16 đến 24 giờ.
Suy thận: Thời gian bán thải trong huyết thanh của pioglitazone, M-III và M-IV không thay đổi ở bệnh nhân suy thận vừa (độ thanh thải creatinin 30-60mL/phút) và nặng (độ thanh thải creatinin < 30 mL/phút) so với người bình thường. Không đề nghị chỉnh liều ở bệnh nhân rối loạn chức năng thận.
Suy gan: So với kiểm soát bình thường, bệnh nhân suy chức năng gan có nồng độ đỉnh trung bình của pioglitazone giảm khoảng 45% nhưng giá trị AUC trung bình không thay đổi. Không nên bắt đầu điều trị với pioglitazone nếu bệnh nhân có bằng chứng lâm sàng bệnh gan thể hoạt động hoặc mức transaminase huyết thanh vượt quá 2,5 lần giới hạn trên của mức bình thường.
Người già: Ở người già khỏe mạnh, nồng độ đỉnh trong huyết thanh của pioglitazone và toàn bộ pioglitazone không thay đổi đáng kể, nhưng giá trị AUC hơi cao hơn và thời gian bán hủy cuối cùng hơi dài hơn so với người trẻ hơn. Những thay đổi này không quan trọng về lâm sàng.
Trẻ em: Không có dữ liệu dược động học ở trẻ em.
Giới tính: Cmax trung bình và giá trị AUC tăng 20 đến 60% ở phụ nữ. Khi dùng đơn độc và khi phối hợp với sulphonylurea, metformine hay insulin, pioglitazone cải thiện kiểm soát đường huyết ở cả nam và nữ. Ở thử nghiệm lâm sàng có đối chứng, mức giảm AIC hemoglobin so với khi bắt đầu ở phụ nữ thường lớn hơn nam giới (mức thay đổi trung bình Hb AIC 0,5%). Do đó điều trị nên xem xét theo từng bệnh nhân nhằm đạt được kiểm soát đường huyết, không đề nghị điều chỉnh liều chỉ dựa trên giới tính.
Công dụng (Chỉ định)
- Có thể dùng đơn trị hoặc phối hợp với thuốc khác để điều trị bệnh đái tháo đường type 2.
Không sử dụng trong trường hợp sau (Chống chỉ định)
- Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Tác dụng không mong muốn (Tác dụng phụ)
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên, đau đầu, viêm xoang, đau cơ, rối loạn răng, tăng nặng triệu chứng đái tháo đường, viêm họng, phù nề.
Lưu ý:
- Tổng quát: Pioglitazone có tác dụng hạ đường huyết chỉ dưới sự hiện diện của insulin. Do đó, không nên dùng pioglitazone ở bệnh nhân tiểu đường type 1 hoặc khi điều trị nhiễm acid keton do tiểu đường.
- Hạ đường huyết: Bệnh nhân dùng pioglitazone phối hợp với insulin hoặc các thuốc hạ đường huyết có thể có nguy cơ hạ đường huyết và có thể cần phải giảm liều thuốc dùng chung.
Phóng noãn: Ðiều trị với pioglitazone, giống như các thiazolidinedione, có thể dẫn đến phóng noãn ở phụ nữ không phóng noãn tiền mãn kinh. Kết quả là có thể tăng nguy cơ mang thai ở những bệnh nhân này khi dùng pioglitazone. Do đó, các biện pháp tránh thai thích đáng ở phụ nữ tiền mãn kinh nên được đề nghị. Tác dụng này chưa được nghiên cứu trong thử nghiệm lâm sàng do đó tần số sự cố này chưa được biết.
Huyết học: Pioglitazone có thể làm giảm hemoglobin và thể tích huyết cầu đặc. Những thay đổi này chủ yếu xảy ra trong vòng 4-12 tuần lễ đầu điều trị và tương đối không thay đổi sau đó. Những thay đổi này có liên quan đến tăng dung lượng huyết tương và không đi kèm với bất kỳ hiệu quả lâm sàng về huyết học đáng kể nào.
Tim: Ở nghiên cứu tiền lâm sàng, các thiazolidinedione kể cả pioglitazone làm tăng dung lượng huyết tương và quá dưỡng tim.
Phù nề: Nên cẩn thận khi dùng pioglitazone ở bệnh nhân phù nề. Trong thử nghiệm mù đôi ở bệnh nhân tiểu đường type 2, phù nề từ nhẹ đến vừa được báo cáo ở bệnh nhân điều trị với pioglitazone.
Tác dụng trên gan: Một thuốc khác thuộc nhóm thiazolidinedione, troglitazone, đã có độc tính đặc ứng trên gan và các trường hợp suy gan rất hiếm gặp, cấy ghép gan và tử vong đã được báo cáo trong sử dụng lâm sàng sau khi sản phẩm được đưa ra thị trường.
- Việc bắt đầu hoặc tiếp tục điều trị với pioglitazone ở bệnh nhân tăng nhẹ men gan nên thận trọng và bao gồm theo dõi lâm sàng thích hợp và có thể nên kiểm tra men gan thường xuyên hơn. Nếu mức ALT vượt quá 3 lần giới hạn trên của mức bình thường, nên lập lại thử nghiệm càng sớm càng tốt. Nếu mức ALT vẫn cao hơn 3 lần giới hạn trên của mức bình thường hoặc nếu bệnh nhân bị vàng da, nên ngưng pioglitazone.
- Nên thử nghiệm chức năng gan trước khi bắt đầu điều trị và mỗi 2 tháng trong năm đầu tiên và định kỳ về sau. Nên khuyên bệnh nhân hỏi ý kiến bác sĩ nếu bị buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, mệt mỏi, chán ăn hoặc nước tiểu sẫm màu không giải thích được.
Trẻ em:
- Tính an toàn và hiệu quả của pioglitazone ở trẻ em chưa được chứng minh.
Người già:
- Không quan sát thấy khác biệt đáng kể về an toàn và hiệu quả của thuốc ở người già so với bệnh nhân trẻ hơn.
Lúc có thai và lúc cho con bú:
Lúc có thai:
- Không có nghiên cứu đối chứng tốt và đầy đủ ở phụ nữ có thai. Chỉ dùng pioglitazone khi mang thai nếu lợi ích lớn hơn nhiều so với nguy cơ tiềm tàng cho thai nhi.
- Vì thông tin hiện hành mạnh mẽ đề xuất rằng mức glucose bất thường khi mang thai thường kèm theo tỉ lệ cao trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, ốm yếu bệnh tật hoặc tử vong, hầu hết các chuyên gia đề nghị rằng nên dùng insulin khi mang thai nhằm duy trì mức đường huyết càng gần đến mức bình thường càng tốt.
- Lúc nuôi con bú: Pioglitazone bài tiết trong sữa ở chuột lớn. Chưa được biết pioglitazone có bài tiết trong sữa ở người hay không. Vì nhiều thuốc bài tiết trong sữa mẹ, không nên dùng pioglitazone ở phụ nữ đang cho con bú.
Lưu ý: Dùng thuốc theo chỉ định của Bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc kê đơn mà không có sự hướng dẫn của y bác sĩ và người có chuyên môn.