icon 09 1800 6928 (Call Center For Foreigner)

{SLIDE}

Đái tháo đường

Thứ bảy, 09/02/2019 - 06:37 AM
Đái tháo đường

1Bệnh đái tháo đường là gì?

Tên gọi khác của bệnh đái tháo đường: Tiểu đường, Thừa đường, Dư đường, Diabetes.

Bệnh đái tháo đường là một bệnh do thiếu insulin trong cơ thể hoặc cơ thể không đáp ứng với insulin.

Insulin là một hormon được tiết ra bởi tuyến tụy, là chất cần thiết để phân giải đường trong máu và biến đổi nó thành năng lượng. Trong trường hợp cơ thể không sản xuất đủ insulin, nồng độ đường trong máu sẽ tăng lên.

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ dinh dưỡng, nạp năng lượng cũng như gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể, bao gồm cả mắt, thận, thần kinh và tim.

Có ba loại đái tháo đường:

- Đái tháo đường type 1: Đây là dạng bệnh phụ thuộc thuốc tiêm insulin do tuyến tụy không sản xuất được insulin. Bệnh thường do yếu tố di truyền gây nên. Đái tháo đường type 1 thường gặp ở người dưới 30 tuổi.

- Đái tháo đường type 2: Không hoặc ít phụ thuộc vào insulin so với bệnh tiểu đường type 1. Ngoài ra, loại bệnh xảy ra phổ biến hơn ở người béo phì, ít vận động. Người trên 40 tuổi thường mắc tiểu đường loại này.

- Đái tháo đường thai kỳ: Xuất hiện ở phụ nữ mang thai từ tuần thứ 24 - 28 và sẽ tự khỏi sau khi sinh. Mặc dù vậy, nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi.

2Nguyên nhân mắc bệnh đái tháo đường

Do tuyến tụy không tự sản xuất được insulin hoặc sản xuất đủ nhưng không hoạt động bình thường. Insulin là một loại kích thích tố, hormone có vai trò hộ tống chất đường trong máu đi nuôi các tế bào. Khi thiếu insulin đường không thể chuyển tới các tế bào do đó phải thải qua đường nước tiểu.

Bên cạnh đó các yếu tố bao gồm di truyền và lối sống không cân bằng, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, chất béo và hàm lượng bột đường cao, thừa cân béo phì... là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh đái tháo đường.

Tùy theo từng dạng bệnh mà có những nguyên nhân khác nhau:

Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường type 1:

Bệnh tiểu đường tuýp 1 là do thiếu Insulin, do cơ thể không tự sản xuất được bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể bởi tuyến tụy bị tấn công và phá hủy. Bệnh thường xảy ra ở đối tượng là trẻ em và những người dưới 30 tuổi. Các yếu tố nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường type 1 được xác định bao gồm:

- Di truyền: gen là yếu tố quan trọng làm phát triển bệnh đái tháo đường type 1. Nếu trong gia đình có bố, mẹ bị mắc bệnh thì tỉ lệ con cái sinh ra có nguy cơ mắc phải sẽ khá cao. Tuy nhiên, không thể không loại trừ nguyên nhân này vì có thể có trường hợp không có sự tác động của các yếu tố gen gây bệnh lên hệ miễn dịch làm phá hủy các tế bào tạo ra insulin trong cơ thể người con.

- Hệ miễn dịch: khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm sẽ khiến cho tế bào bạch cầu tấn công tế bào beta. Từ đó khiến cho tuyến tụy bị suy giảm và mất dần khả năng sản xuất insulin ổn định trong cơ thể.

- Yếu tố bên ngoài môi trường: các yếu tố về môi trường, thực phẩm, chế độ ăn uống, nhiễm khuẩn hay độc tố nhiễm vào cơ thể cũng là nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường type 1.

Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường type 2:

Kháng Insulin là vấn đề chính trong bệnh tiểu đường tuýp 2. Đối tượng bị bệnh đái tháo đường type 2 thường ở độ tuổi trên 40. Tuy nhiên, bệnh đang ngày càng trẻ hóa gây ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh hoạt và cả tính mạng người bệnh. Các nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường type 2 bao gồm:

- Di truyền: gen cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bệnh đái tháo đường type 2 làm giảm khả năng sản xuất insulin của tuyến tụy.

- Béo phì và ít vận động: đây là nguyên nhân chính và chủ yếu gây bệnh đái tháo đường type 2. Nếu trong cơ thể có nhiều lượng calo dư thừa sẽ gây ra tình trạng kháng insulin. Thêm vào đó, nếu người bệnh lười vận động sẽ tác động tới tuyến tụy và gây áp lực ép tuyến tụy phải sản xuất insulin, trong thời gian dài tuyến tụy sẽ suy yếu và mất dần đi khả năng sản xuất insulin gây nên bệnh đái tháo đường.

Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường thai kỳ:

- Thừa cân, béo phì trước khi mang thai.

- Di truyền: Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường.

- Tiền sử từng bị đái tháo đường thai kỳ ở những lần mang thai trước.

- Tiền đái tháo đường (Đường huyết cao nhưng chưa đủ chuẩn chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2).

3Triệu chứng của bệnh đái tháo đường

Triệu chứng của bệnh đái tháo đường nhìn chung có thể thấy qua một số yếu tố như ăn nhiều, uống nhiều và tiểu nhiều… Tuy nhiên, mức độ và các biểu hiện cụ thể còn phụ thuộc vào từng loại bệnh. Tùy theo đó là bệnh đái tháo đường type 1, type 2 hay đái tháo đương thai kỳ có những biểu hiện khác nhau. Người bệnh có thể phân biệt qua các triệu chứng dưới đây:

Triệu chứng nhận biết bệnh đái tháo đường type 1:

- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi khó chịu.

- Khát nước: xảy ra khi nhận thấy bị khát nước quá mức so với bình thường.

- Đi tiểu nhiều vào ban đêm.

- Cảm giác đói quằn quại.

- Giảm cân đột ngột mà không rõ lý do.

Triệu chứng nhận biết bệnh đái tháo đường type 2:

Bệnh đái tháo đường type 2 là một bệnh khá nghiêm trọng. Các biểu hiện ban đầu của bệnh thường khó nhận biết và phân biệt được. Hầu hết bệnh nhân bị bệnh này thường nhận biết bệnh khi tình cờ đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi bệnh đã chuyển biến tới giai đoạn rõ rệt.

Ở người bị bệnh đái tháo đường type 2 cũng thấy xuất hiện các triệu chứng tương tự với type 1 như luôn cảm thấy mệt mỏi do cơ thể không còn khả năng sử dụng glucose để tạo năng lượng mà phải dùng tới mỡ; người bệnh bị giảm cân nhanh mà không rõ lý do. Bệnh còn được biểu hiện bằng các dấu hiệu đặc trưng sau:

- Ăn nhiều cùng cảm giác nhanh đói: đây là một biểu hiện đặc trưng của bệnh tiểu đường type 2 do nồng độ insulin cao trong cơ thể gây ra cảm giác nhanh đói.

- Vết thương lâu lành: do lượng đường trong máu cao khiến cho hoạt động của bạch cầu bị bất thường và giảm đi khả năng tự bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn, vi trùng xâm nhập gây hại.

- Nhiễm trùng: do hệ thống miễn dịch bị suy giảm chức năng bởi bệnh tiểu đường khiến cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng, nấm sinh dục, nhiễm trùng da,…

- Rối loạn tình dục: biểu hiện qua các chứng bệnh ở cả nam và nữ như xuất tinh sớm, rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục,…

- Nhìn mờ.

Triệu chứng nhận biết bệnh đái tháo đường thai kỳ:

- Một số phụ nữ không có triệu chứng.

- Một số người khác có thể: Đi tiểu vào ban đêm, chóng mặt, nhìn mờ, khát nước, đi tiểu nhiều, nôn mửa quá mức.

4Điều trị bệnh đái thái đường

Để việc chữa bệnh đái tháo đường đạt hiệu quả, cần tuân thủ chế độ ăn uống, vận động cũng như phác đồ điều trị của bác sỹ.

Điều trị bằng chế độ ăn uống

Người bệnh cần đảm bảo chế độ ăn đầy đủ chất đạm, béo, bột đường, vitamin, muối khoáng với số lượng hợp lý.

Điều trị bằng chế độ vận động

Người bệnh đái tháo đường type 1, 2 nên tập luyện tổng cộng 30 – 45 phút mỗi ngày, từ 3 - 5 ngày mỗi tuần hoặc 150 phút/tuần. Loại vận động dẻo dai như đi bộ, chạy, bơi, nhảy dây,... nên đạt đủ cường độ nhằm làm tăng nhịp tim và tần số hô hấp.

Nếu đã xuất hiện biến chứng người bệnh nên vận động nhẹ nhàng, không mang vác vật nặng. Tránh các vận động chạy trên thảm, tập kéo dài, chạy bộ, tập luyện chân.

Điều trị bằng thuốc:

Bệnh đái tháo đường loại 1, các tế bào beta tuyến tụy bị hủy hoại nên không tiết ra được insulin cho cơ thể. Lúc này người bệnh cần phải được điều trị bằng insulin. Trong điều trị tại nhà, Insulin được dùng bằng cách tiêm dưới da hoặc bơm Insulin. Liều lượng Insulin được điều chỉnh dựa trên việc đo lượng đường trong máu được thực hiện trong ngày.

Bệnh đái tháo đường loại 2, hiện tượng thiếu chất insulin do 3 bất thường giảm insulin, kháng insulin và tăng sản xuất glucose từ gan. Vì thế việc chữa bệnh tiểu đường cần phải dùng các nhóm thuốc hạ đường huyết loại uống giúp cơ thể tăng sản xuất chất insulin, làm giảm tình trạng kháng insulin, ngăn ngừa hiện tượng hấp thụ carbohydrat ở ruột. Mọi chỉ định về dùng thuốc cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sỹ. Bệnh đái tháo đường tuýp 2 cũng có thể được quản lý bằng cách giảm cân, kiểm soát chế độ ăn uống nghiêm ngặt và tập thể dục.

Để điều trị đái tháo đường thai kỳ:

- Kiểm tra đường huyết 4 lần hoặc hơn trong một ngày.

- Xét nghiệm nước tiểu tìm thể ketone khi đường không kiểm soát tốt.

- Ăn chế độ ăn lành mạnh dành riêng cho người tiểu đường thai kỳ.

- Tập thể dục, vận động hàng ngày.

- Đến gặp bác sĩ để theo dõi cân nặng và cho biết khi nào cần điều trị bệnh bằng insulin hay các loại thuốc khác.

5Phòng ngừa bệnh đái tháo đường

Giảm cân: Giảm trọng lượng cơ thể là cách đơn giản nhất để thoát khỏi vòng nguy hiểm của căn bệnh đái tháo đường. Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Theo các bác sĩ, ngay cả đối với bệnh tiểu đường tuýp 2, chúng ta cũng có thể giảm được nguy cơ mắc bệnh bằng cách giảm cân. Điều quan trọng là kiểm soát được lượng calo bổ sung vào cơ thể mỗi ngày và chăm chỉ tập luyện thể thao đều đặn.

Ăn nhiều rau xanh: là cách hữu hiệu để giảm thiểu cân nặng, giữ lượng đường trong máu được ổn định. Nếu thường ăn sáng với những đồ ăn nhiều dầu mỡ thì hãy đổi vị bằng những món nhiều rau quả, salad. Thường xuyên ăn nhiều rau xanh là cách đơn giản nhất để phòng tránh bệnh đái tháo đường.

Tận dụng mọi lúc mọi nơi để đi bộ, như tránh đi thang máy mà thay vào đó hãy đi thang bộ hoặc để xe ở một nơi xa chỗ làm và đi bộ đến đó... Bên cạnh việc giảm lượng calo ăn vào thì tập luyện cũng có thể giúp giảm cân và sử dụng insulin trong cơ thể hiệu quả hơn.

Ăn một số loại ngũ cốc nguyên hạt cũng giúp ổn định và kiểm soát được lượng đường trong máu. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, bổ sung ngũ cốc nguyên hạt thường xuyên sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, đột quỵ, huyết áp cao, thậm chí là chống ung thư vú.

Uống cà phê: Cà phê giúp tránh được bệnh tiểu đường rất tốt. Một số nghiên cứu cho thấy, cà phê hoặc đúng hơn là caffeine có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường một cách an toàn. Chúng ta nên uống đều đặn 1 ly cà phê mỗi sáng để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.

Không ăn thức ăn nhanh: Thức ăn nhanh là cơn ác mộng tồi tệ nhất trong cuộc chiến chống lại bệnh tiểu đường. Vì vậy, bạn nên hạn chế loại đồ ăn này bất cứ lúc nào có thể.

Cách phòng và chữa trị bệnh dễ dàng nhất là khám bệnh thường xuyên để phát hiện bệnh sớm. Cần biết lượng đường trong máu như thế nào, đặc biệt là khi trong gia đình đã có người bị đái tháo đường. Hãy xét nghiệm máu định kỳ và làm theo những lời khuyên của bác sĩ để phòng bệnh tốt nhất.

Không uống rượu bia: Người uống nhiều rượu không chỉ làm cho mỡ máu tăng cao mà tình trạng này còn duy trì trong thời gian dài.

Đối với những bệnh nhân điều trị bằng insulin, uống rượu khi đói bụng dễ gây ra hạ đường huyết.

Tham gia các hoạt động thể lực:

- Chơi thể thao hơn 30 phút trong hầu hết các ngày trong tuần.

- Tập thể dục khoảng 1giờ/ngày trong hầu hết các ngày.

- Năng động trong mọi hoạt động, bước khoảng 5.000 - 10.000 bước chân/ngày.

- Tránh ngồi một chỗ quá lâu khi làm việc, nên nghỉ ngơi 5 phút sau 1 tiếng làm việc.

- Đối với phụ nữ, nên hạn chế làm việc vào ban đêm.

Có chế độ dinh dưỡng hợp lý:

- Nên ăn trên 20 loại thực phẩm mỗi ngày bằng cách ăn các món ăn hỗn hợp, có nhiều món trong một bữa ăn, món ăn nên thay đổi trong ngày, giữa các ngày, theo mùa…

- Nên hạn chế ăn những thức ăn cung cấp năng lượng rỗng như đường, nước ngọt, kẹo…

- Ăn chừng mực: Không ăn bữa nào quá no hay quá đói, không ăn thứ gì quá nhiều.

- Ăn những thực phẩm tự nhiên, chế biến đơn giản để ít bị mất đi các thành phần dinh dưỡng có trong thức ăn.

- Dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật

- Lượng bột đường vừa đủ theo nhu cầu hoạt động của cơ thể, tránh dư thừa dễ làm tăng cân.

- Nên ăn các loại thịt nạc bỏ da, ăn cá nhiều hơn thịt. Ăn thêm các loại đạm thực vật như đậu hũ, các loại đậu khác.

- Hạn chế mặn, nếu có cao huyết áp chỉ dùng ít hơn 1/2 muỗng cà phê muối/ngày kể cả nêm nếm trong thức ăn.

- Uống sữa để phòng ngừa bệnh đái tháo đường.

Bệnh đái tháo đường hiện đang là một bệnh nguy hiểm và xảy ra phổ biến ở nước ta. Bệnh gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, sinh hoạt và đe dọa tới tính mạng của người bệnh. Vì thế, cần có biện pháp phòng ngừa phù hợp, thăm khám bác sĩ định kỳ, có chế độ ăn uống hợp lý, thường xuyên tập thể dục thể thao. Nếu nhận thấy cơ thể có bất kỳ biểu hiện nào nghi ngờ mắc bệnh đái tháo đường thì cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán và có biện pháp khắc phục kịp thời nếu bị nhiễm bệnh.

(Hình ảnh tổng hợp từ Pinterest, angiacnu, Healthy Zone, Google,...)

Bình luận của bạn
*
*

Bệnh Nội tiết liên quan

NHÀ THUỐC MINH CHÂU

  • 14A Nguyễn Thái Sơn, P. 3, Gò Vấp, HCM   Chỉ đường
  • 354 Nguyễn Văn Công, P. 3, Gò Vấp, HCM 

CSKH: 08 1900 8095 - 08 9939 1368 (VN)
CALL CENTER: 0918 00 6928 (Call Center For Foreigner)
Email: htnhathuocminhchau@gmail.com
Website: www.nhathuocminhchau.com

© Bản quyền thuộc về nhathuocminhchau.com

Công ty TNHH Thương Mại Y Tế Xanh _ GPKD số 0316326671 do Sở KH và ĐT TP Hồ Chí Minh cấp ngày 16/06/2020 _ GĐ/Sở hữu website Trần Văn Quang                                                                                         Địa chỉ: 114D Bạch đằng, Phường 2, Quận Tân Bình, TP.HCM  (Chỉ đường

Hiệu quả của sản phẩm có thể thay đổi tùy theo cơ địa của mỗi người.
Sản phầm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

*** Website nhathuocminhchau.com không bán lẻ dược phẩm trên Online, mọi thông tin trên website nhằm cung cấp thông tin tham khảo sản phẩm. Website hoạt đồng dưới hình thức cung cấp thông tin tham khảo cho nhân sự trong hệ thống và là nơi Người dân tham thảo thông tin về sản phẩm.

Thiết kế bởi www.webso.vn

0899391368

Back to top