1Thiếu máu là gì?
Tên gọi khác của bệnh thiếu máu: Anemia.
Thiếu máu là một tình trạng trong đó không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển đầy đủ oxy đến các mô. Nếu có thiếu máu, cơ thể cảm thấy mệt mỏi.
Có nhiều hình thức thiếu máu, đều có nguyên nhân riêng của chúng. Thiếu máu có thể là tạm thời hoặc lâu dài và nó có thể từ nhẹ đến nặng.
2Nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu
Hemoglobin là protein vận chuyển oxy trong hồng cầu. Nó làm cho các hồng cầu có màu đỏ. Người bị thiếu máu không có đủ hemoglobin.
Mặc dù nhiều bộ phận của cơ thể có thể tạo ra hồng cầu nhưng hầu hết các hồng cầu được tạo ra tại tủy xương. Tủy xương là mô mềm ở bên trong của xương là nơi sinh ra các tế bào máu.
- Cơ thể thiếu một số vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng để đảm đủ tạo thành hồng cầu: Sắt, vitamin B12 và Acid folic là ba trong số những yếu tố quan trọng nhất tạo nên tế bào hồng cầu.
- Thiếu máu tán huyết: do hiện tượng vỡ hồng cầu như thiếu men G6PD, một số thuốc, nhiễm trùng nặng , bệnh tự miễn,…
- Thiếu máu do xuất huyết : xuất huyết tiêu hóa ( loét hoặc u trong đường tiêu hóa ), cường kinh hoặc rong kinh.
- Các nguyên nhân tại tủy xương (giảm sản xuất tế bào hồng cầu).
- Kèm trong một số bệnh như HIV/ AIDS, suy thận mạn.
- Bệnh di truyền như thalassemia.
3Triệu chứng của bệnh thiếu máu
- Da xanh xao, bao gồm kém hồng hào môi, nướu răng, niêm mạc mắt, vùng móng và lòng bàn tay
- Yếu, mệt mỏi.
- Chóng mặt hay choáng váng.
- Nhịp tim nhanh hay không đều.
- Ớn lạnh.
- Thở nông.
4Điều trị bệnh thiếu máu:
Để chẩn đoán thiếu máu, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra máu của bạn. Nếu bạn bị thiếu máu, bác sĩ có thể cần phải làm các xét nghiệm khác để tìm hiểu nguyên nhân, và một số phương pháp điều trị như:
- Truyền máu.
- Corticosteroid hoặc các loại thuốc khác ức chế hệ miễn dịch.
- Erythropoietin, một loại thuốc giúp tủy xương tạo ra nhiều tế bào máu hơn.
- Bổ sung sắt, vitamin B12, acid folic, hoặc vitamin và khoáng chất khác.
- Các thuốc chữa thiếu máu.
Sắt: Bổ sung cho phụ nữ mỗi ngày 15mg chất sắt, nam giới chỉ cần 10mg/ngày. Phụ nữ mang thai cần bổ sung chất sắt nhiều hơn so với bình thường vì chất sắt cần thiết cho cơ thể người mẹ, tốt cho sự phát triển của cơ và các tế bào hồng cầu của bào thai. Phụ nữ nên dùng bổ sung viên vitamin có chứa chất sắt để thay thế lượng sắt bị mất đi trong thời kỳ kinh nguyệt, trước và sau khi sinh con hoặc trong trường hợp bị mất máu nhiều.
Có thể phòng ngừa và điều trị thiếu máu do thiếu sắt bằng cách ăn nhiều thức ăn giàu chất sắt như: gan, tim, trứng, giá đậu, hoa quả, bông cải xanh...
Vitamin B12: Đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa của tế bào, đặc biệt là sự nhân lên của ADN. Nguồn vitamin B12 được đưa vào trong cơ thể chủ yếu qua thức ăn như thịt, cá, trứng, gan... Tình trạng thiếu hụt vitamin B12 thường gặp ở những người bị rối loạn tiêu hóa, bệnh dạ dày, phẫu thuật cắt dạ dày ... Người bị thiếu máu do thiếu vitamin B12 nên được điều trị bằng tiêm bắp vitamin B12 theo chỉ định của bác sĩ.
Acid Folic: Đây là tác nhân quan trọng trong quá trình tạo máu. Hàng ngày, nhu cầu người lớn cần 25 - 50mcg Acid Folic. Thức ăn từ rau xanh, thịt, trứng, gan, men bia là nguồn cung cấp chủ yếu chất này.
Ngoài ra một số nguyên tố vi lượng khác cũng cần cho sự tạo máu như vitamin B6, vitamin B2 cũng làm tăng sinh số lượng hồng cầu và huyết sắc tố trong máu.
5Phòng tránh bệnh thiếu máu
Việc phòng bệnh thiếu máu phần lớn là thực hiện chế độ ăn có đầy đủ chất sắt, Vitamin B12, Acid folic, Vitamin E, Kẽm, dầu mè đen…. Phòng và chữa các bệnh gây tình trạng thiếu hụt máu như: thận, bệnh gan, nhiễm khuẩn, giun móc, dùng thuốc điều hòa kinh nguyệt để hạn chế mất máu do hành kinh ở phụ nữ.
Có một chế độ ăn cân bằng, tăng cường thực phẩm giàu folate.