1Hội chứng thận hư là gì?
Hội chứng thận hư là một rối loạn gây ra tình trạng bài tiết quá nhiều protein vào nước tiểu.
Tiêu chuẩn chẩn đoán HCTH:
1. Phù.
2. Tiểu protein >3,5g/24h.
3. Protein máu thấp nhỏ hơn 60g/l, Albumin máu nhỏ hơn 30g/l.
2Triệu chứng của hội chứng thận hư
- Phù: toàn thân, quanh mắt, chân, đặc biệt là bàn chân và mắt cá chân, bụng căng phù, phù mặt.
- Tiểu ít, đi tiểu thấy xuất hiện có bọt, đây có thể do protein dư thừa trong nước tiểu gây nên.
- Tăng cân do ứ nước.
- Tăng huyết áp.
3Nguyên nhân bị hội chứng thận hư
Do tổn thương của các vi mạch máu nhỏ của thận (cầu thận). Các cầu thận sẽ lọc máu và có nhiệm vụ tách các chất mà cơ thể cần. Khi các cầu thận bị tổn thương, cho phép quá nhiều protein trong máu bài tiết vào nước tiểu, dẫn đến hội chứng thận hư.
4Điều trị hội chứng thận hư
Điều trị chủ yếu là bù lại khối lượng tuần hoàn bằng cách tăng protein trong thức ăn, tăng calo, hạn chế muối và nước. Bệnh nhân nặng có thể truyền plasma, các dung dịch keo và albumin. Chỉ sử dụng thuốc lợi tiểu khi đã bù protein và bệnh nhân không còn nguy cơ giảm thể tích tuần hoàn. Đặc biệt trong chế độ ăn phải hạn chế muối và nước khi có phù nhiều.
Điều trị đặc hiệu ở hội chứng thận hư nguyên phát với việc dùng corticoid. Kết hợp dùng các thuốc giảm miễn dịch khác. Trường hợp bệnh nhân đáp ứng kém với corticoid, kháng corticoid hoặc chống chỉ định dùng corticoid thì dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch, nhưng phải theo dõi sát các tác dụng phụ của thuốc. Phối hợp điều trị các triệu chứng và biến chứng nếu có.
Điều trị đặc hiệu phải dựa vào sang thương giải phẫu bệnh, do đó bệnh nhân bị hội chứng thận hư cần phải sinh thiết thận, vì mỗi loại sang thương giải phẫu bệnh có phác đồ điều trị đặc hiệu riêng.
5Cách phòng hội chứng thận hư
Để phòng bệnh, cần phòng tránh nhiễm lạnh đường hô hấp trên, các bệnh viêm da, khi phát hiện các bệnh này, cần khám và điều trị kịp thời. Bệnh có tính chất mạn tính, có thể tái phát do đó bệnh nhân không tự ý bỏ thuốc, hoặc uống giảm liều thuốc; không dùng các thuốc không rõ nguồn gốc. Cần theo dõi và điều trị lâu dài.