1Suy thận cấp tính là gì?
Tên gọi khác: Suy thận cấp.
Suy thận cấp tính là tình trạng thận đột ngột suy giảm chức năng lọc nước tiểu và loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể, không thể cân bằng nước và điện giải. Hệ quả là chất thải ngày càng tích lũy trong cơ thể và quá trình bài tiết của cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Suy thận cấp tính xảy ra rất nhanh, có thể sau vài giờ hoặc vài ngày.
2Triệu chứng của suy thận cấp tính
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng thường gặp là lượng nước tiểu ít, dưới 0.5ml/kg/giờ.
Ở giai đoạn nặng hơn, triệu chứng bao gồm:
- Buồn nôn, ói mửa.
- Mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng.
- Mất ngủ, động kinh.
- Tiểu ít, vô niệu, phù.
- Ngẩn ngơ.
- Ngứa.
- Rối loạn huyết áp: tăng cao hoặc giảm (thường tăng huyết áp).
- Dễ bầm tím, bị chảy máu không rõ nguyên nhân.
3Nguyên nhân gây ra suy thận cấp tính
Suy thận cấp tính có thể do 2 nhóm nguyên nhân:
- Bất thường trong việc cung cấp máu cho thận: tổn thương thận do suy tim sung huyết, do đái tháo đường hay cao huyết áp, mất máu nặng do chấn thương, do xuất huyết tiêu hóa, tổn thương thận do nhiễm trùng nặng, do thuốc cản quang, aspirin, ibuprofen, naproxen.
- Bất thường trong việc thải chất cặn qua ống dẫn nước tiểu từ thận: niệu quản bị nghẽn 2 bên do sỏi, do máu cục, do u bướu vùng chậu chèn ép như ung thư cổ tử cung, ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư trực tràng, nhiễm trùng đường tiểu cấp tính, tắc nghẽn thận,...
Một số nguyên nhân gián tiếp như suy gan, huyết áp thấp, nhồi máu cơ tim,...
Một số yếu tố nguy cơ bệnh suy thận cấp:
- Tuổi cao.
- Mắc bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, suy tim.
- Các bệnh về gan, thận.
4Điều trị suy thận cấp tính
Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
- Bồi hoàn nước và các chất điện giải, truyền máu nếu cần.
- Dùng thuốc lợi tiểu: giúp tăng lượng nước tiểu.
- Phương pháp chạy thận nhân tạo để lọc thận hỗ trợ chờ chức năng thận hồi phục.
- Chế độ ăn ít protein, muối, kali.
Suy thận cấp có thể hồi phục hoàn toàn và việc hồi phục có thể cần đến 6 tuần hoặc lâu hơn.
5Phòng ngừa suy thận cấp tính
- Duy trì chế độ ăn ít đạm, kali, muối.
- Theo dõi lượng nước uống vào và lượng nước tiểu hàng ngày.
- Nếu có các dấu hiệu ớn lạnh, sốt, nôn mửa, đau đầu, đau cơ và tiêu chảy, nên thông báo cho bác sĩ để có hướng giải quyết hợp lý.
- Tránh dùng một số loại thuốc không rõ nguồn gốc gây tổn thương thận.
- Điều trị những bệnh có thể tổn thương thận như huyết áp cao, đái tháo đường, suy tim sung huyết và nhiễm trùng đường tiểu, tiêu chảy cấp gây mất nước.