1Bệnh tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ não) là một hội chứng lâm sàng của hiện tượng đột ngột mất chức năng não cục bộ cấp tính kéo dài trên 24 giờ hoặc gây tử vong trong 24 giờ. Tình trạng não thiếu sót chức năng, bị tổn thương do nguyên nhân mạch máu (thiếu máu não hoặc xuất huyết não) gây ra triệu chứng thần kinh khu trú hoặc toàn thể và biểu hiện đột ngột, không do chấn thương sọ não. Đây là bệnh lý do tổn thương não đột ngột bởi các mạch máu não bị vỡ hoặc tắc nghẽn. Máu không thể mang oxy và chất dinh dưỡng lên nuôi não dẫn đến tình trạng tổn thương tế bào não. Lúc này não sẽ ngừng hoạt động hoặc chết đi trong vài giây đến vài phút. Các phần não khi bị chết thì phần cơ thể tương ứng cũng bị mất chức năng và ngừng hoạt động. Một vài biểu hiện thường thấy như: liệt nửa người, hôn mê, mất cảm giác, khó nói hoặc không thể nói,... Tai biến mạch máu não gồm 2 loại:
Xuất huyết não: Xảy ra khi máu thoát khỏi thành mạch chảy vào nhu mô não.
Nhồi máu não hoặc thiếu máu não cục bộ (nhũn não): xảy ra khi một nhánh mạch máu bị tắc nghẽn, tại nhánh đó bị thiếu máu và gây hoại tử.
2Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não?
a. Cao huyết áp
Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tai biến mạch máu não. Người bị cao huyết áp thường có nguy cơ bị tai biến cao gấp 3-4 lần so với người có huyết áp bình thường. Lý do bởi cao huyết áp là sự tăng áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch khiến cho thành mạch xuất hiện những tổn thương nhất định, tiến triển dần dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn mạch máu (nhồi máu não). Ngoài ra, khi áp lực dòng máu đột ngột tăng cao có thể làm cho mạch máu bị vỡ ra gây vỡ mạch máu (xuất huyết não).
b. Xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là bệnh do động mạch bị xơ vữa và tiến triển hẹp dần khẩu kính mạch máu. Các mảng xơ mỡ thừa trong động mạch sẽ làm cho mạch máu ngày càng hẹp lại dẫn đến tình trạng lưu thông máu gặp nhiều khó khăn và tổn thương thành mạch máu. Các mảng xơ vữa sẽ có hiện tượng viêm hoại tử dẫn đến nguy cơ hình thành cục máu đông tại chỗ, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu. Ngoài ra, một số mảng xơ vữa có thể bị bong tróc và trôi theo dòng máu, gây thuyên tắc các mạch máu khác. Cả hai hiện tượng đều dẫn đến tai biến mạch máu não.
c. Bệnh tim
Ở bệnh nhân bị bệnh tim (thường là bệnh van tim, rung nhĩ) dễ hình thành những cục máu đông hoặc cục sùi từ buồng tim, van tim. Nếu chúng trôi theo dòng máu lên động mạch cảnh, lên não sẽ làm tắc đột ngột dòng máu nuôi não, gây ra đột quỵ nhồi máu não.
Loại tai biến xuất huyết não có liên quan đến dùng thuốc chống đông, thuốc kháng vitamin K sau phẫu thuật thay van tim cũng có thể xảy ra. Nguyên nhân là do tác dụng của thuốc làm giảm khả năng đông máu và nếu có yếu tố thuận lợi như tăng huyết áp, chấn thương… thì khả năng xuất huyết não sẽ cao hơn.
d. Đái tháo đường
Ở người lớn, thông thường chúng ta hay gặp đái tháo đường type 2. Đái tháo đường làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 2 lần so với người bình thường. Tình trạng tăng đường huyết không kiểm soát sẽ dẫn đến các biến chứng mạch máu, rối loạn chuyển hóa mỡ máu gây xơ vữa động mạch. Đây là những yếu tố chính dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
e. Dị dạng mạch máu não
Dị dạng mạch máu não là hiện tượng các mạch máu bất thường, rối loạn trong não, gây xuất huyết não và có thể khiến người bệnh tử vong rất nguy hiểm. Theo các bác sĩ, dị dạng mạch máu não thường có từ lâu, tiến triển một cách âm thâm khiến mạch máu bị dị dạng ngày càng giãn ra và yếu đi. Đến khi mạch máu bị căng tức quá mức (do áp lực công việc, căng thẳng, stress…) dẫn đến vỡ mạch máu não gây xuất huyết.
f. Một số nguyên nhân khác.
Một số nguyên nhân gây bệnh tai biến mạch máu não ít gặp khác là giảm huyết áp (tụt huyết áp đột ngột hơn 40 mm Hg), viêm động mạch, viêm tắc tĩnh mạch, thuyên tắc xoang tĩnh mạch. Ở người trẻ nếu mắc bệnh tiểu cầu, chảy máu dưới màng nhện, dị dạng động mạch cảnh, rối loạn chức năng đông máu, u não, thoái hóa mạch máu não, thừa cân, béo phì… thì cũng có nguy cơ bị tai biến cao hơn so với những người bình thường khác.
Thuốc lá cũng là một trong những tác nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não. Trung bình cứ 5 người bị tai biến mạch máu não thì có một người thường xuyên hút thuốc lá. Nguyên nhân là do hút thuốc làm tăng quá trình xơ vữa động mạch, gây rối loạn mỡ máu (giảm cholesterol có lợi là HDL-cholesterol, tăng cholesterol có hại là LDL-cholesterol, tăng triglycerid) và gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Ngoài ra, những người hút thuốc lá còn có nguy cơ cao bị biến chứng và tai biến mạch máu não tái phát. Ngoài những nguyên nhân hàng đầu trên còn có nhiều yếu tố có thể gây tai biến mạch máu não như: lạm dụng thuốc tránh thai, sử dụng nhiều rượu bia cộng với thói quen ít vận động, chế độ sinh hoạt không lành mạnh cũng làm tăng nguy cơ dẫn đến tai biến mạch máu não.
3Triệu chứng khi bị tai biến mạch máu não
Nhiều nước trên thế giới hiện đưa ra chữ “FAST” để phổ cập các dấu hiệu của đột quỵ. “FAST” có nghĩa là nhanh (phản ứng tức thời), đồng thời là viết tắt của: Face (khuôn mặt), Arm (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian).
- Khuôn mặt: dấu hiệu dễ nhận thấy là mặt bệnh nhân bị méo, thường gặp trong trường hợp diễn tiến đột ngột. Có một số biểu hiện kín đáo hơn cần lưu ý như mặt bệnh nhân có thể chưa méo nhưng khi nhìn kỹ sẽ thấy sự mất cân xứng: nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường; nếp mũi, má bên yếu thường bị rũ xuống. Nếu nghi ngờ, hãy yêu cầu bệnh nhân cười vì méo có thể sẽ rõ hơn. Đôi khi, bệnh nhân chỉ có cảm giác tê, cứng nửa bên mặt hoặc 1/4 mặt dưới.
- Tay: dấu hiệu “rõ mười mươi” là tay bị liệt. Nhưng trước đó, có thể đã có những diễn tiến từ từ như: tê mỏi một bên tay; vụng về trong những thao tác, công việc quen thuộc (ví dụ như gặp khó khăn khi viết, ăn uống); vẫn điều khiển được tay nhưng kém chính xác. Ngoài tay còn một số dấu hiệu ở chân: đi dễ bị vấp té mà nguyên nhân không rõ ràng; bước đi khó khăn hoặc nặng nề hơn bình thường; nhấc chân không lên hoặc dễ bị rớt dép...
- Lời nói: rõ nhất là một số người đột quỵ bị “á khẩu” hoặc nói đớ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, người nghe có thể chưa nhận thấy bất thường nhưng chính bệnh nhân than phiền rằng họ cảm thấy khó khăn khi nói, hoặc môi, lưỡi bị cứng, tê. Khi đó, người nhà cần lưu ý để có thể nhận ra việc bệnh nhân nói không rõ, nói chậm hơn bình thường hoặc phải gắng sức khi nói.
- Thời gian: đưa bệnh nhân đi khám ngay khi ghi nhận những dấu hiệu vừa kể. Những dấu hiệu này có thể kéo dài hoặc chỉ thoáng qua nhưng lặp đi lặp lại, có thể xuất hiện cùng lúc hoặc chỉ một vài dấu hiệu.
Ngoài ra còn có các triệu chứng đột ngột xảy ra ở người khoẻ mạnh như:
- Lẫn lộn, sảng, lơ mơ, hôn mê.
- Nhức đầu dữ dội, khác thường.
- Mất thăng bằng.
- Không nhìn thấy ở một mắt hoặc một bên cơ thể.
- Chóng mặt, giảm thính lực, buồn nôn, nôn ói.
Nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào của các triệu chứng này, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện nhanh chóng (trong vòng 4,5 giờ đầu tiên còn được gọi là thời gian vàng để can thiệp điều trị cấp). Gọi cấp cứu 115.
Xuất hiện của các cơn thiếu máu não thoáng qua: xảy ra đột ngột với triệu chứng tương tự như trên, tuy nhiên các triệu chứng này sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng vài phút hoặc vài giờ (không quá 24 giờ). Chính điều đó khiến nhiều người lầm tưởng rằng cơ thể căng thẳng, mệt mỏi nên có thể chủ quan không theo dõi và khám chữa. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơn xảy ra cơn đột quỵ thực sự sau đó.
Khi có các triệu chứng này, người bệnh cần nhanh chóng đến khám tại các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị tích cực.
4Điều trị bệnh tai biến mạch máu não
a. Sơ cứu bệnh nhân bị tai biến
Cách xử lý ban đầu khi phát hiện người bị tai biến mạch máu não:
- Không để té ngã, chấn thương.
- Để người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng một bên nếu nôn ói, lấy dị vật trong miệng nếu có.
- Gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất..
- Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển viện đi xa, trừ khi bác sĩ có chỉ định, vì càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn.
- Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất lỳ loại thuốc nào khác.
- Không để nằm chờ xem có khoẻ lại không; không cạo gió, cắt lễ, đâm kim ở 10 đầu ngón tay/ngónchân, cúng vái, nặn chanh vì không hiệu quả và làm mất thời gian vàng điều trị.
b. Phương pháp điều trị bệnh tai biến mạch máu não
Khi đến bệnh viện, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị tùy theo loại đột quỵ:
- Đối với đột quỵ nhồi máu não, thời gian vàng để điều trị tái thông mạch máu não bằng thuốc tiêu huyết khối (Actilyse) là 4,5 giờ đầu tiên. Ngoài ra trong trường hợp có tắc động mạch não lớn, bác sĩ sẽ có thể phối hợp thêm phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (dùng thiết bị Solitaire). Đây là những phương pháp điều trị tích cực, giúp phục hồi các tổn thương thần kinh, tránh những di chứng nặng nề do đột quỵ gây ra. Lưu ý, bệnh nhân càng đến sớm thì hiệu quả điều trị càng cao.
- Nếu bệnh nhân nằm ngoài cửa sổ điều trị can thiệp cấp thì sẽ được điều trị phòng ngừa tái phát, chăm sóc nâng đỡ, tập vật lí trị liệu giúp giảm thiểu và phục hồi dần các di chứng. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ cho sử dụng thuốc tuỳ theo nguyên nhân và cơ chế gây đột quỵ (bệnh nhân cần uống thuốc đều đặn, không tự ý ngưng thuốc vì đột quỵ có thể bị tái phát.
- Một số thuốc thường gặp:
+ Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (Aspirin, Clopidogrel,Cilostazol), thuốc chống đông máu (Warfarin, Dabigatran, Rivaroxaban)
+ Chống xơ vữa mạch máu, hạ mỡ máu (nhóm statin)
+ Thuốc điều trị tăng huyết áp: thuốc ức chế giao cảm (Bisoprolol, Atenolol), thuốc chẹn kênh canxi (Amlodipine, Felodipine), ức chế men chuyển/ức chế thụ thể (Perindopril, Losartan, Valsartan), lợi tiểu …
- Đối với đột quỵ xuất huyết não (thường do tăng huyết áp) bệnh nhân sẽ được kiểm soát huyết áp chặt chẽ, theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
+ Phẫu thuật:
i/ Phẫu thuật lấy máu tụ trong não trong một số trường hợp xuất huyết não nặng.
ii/ Điều trị các đoạn phình mạch, dị dạng động - tĩnh mạch bằng kỹ thuật gây tắc mạch hoặc nút mạch; Kỹ thuật điều trị các u mạch, dị dạng mạch bằng phẫu thuật định vị.
5Phòng chống bệnh tai biến mạch máu não
Để phòng ngừa tai biến mạch máu não, hiện không có thuốc điều trị dự phòng. Cách tốt nhất là chúng ta cần chủ động khám sức khỏe định kỳ, phát hiện và chữa trị các yếu tố nguy cơ của đột quỵ như bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường một cách triệt để.
Đồng thời cũng cần phát hiện và xử trí những dị dạng mạch máu có thể là nguyên nhân của tai biến mạch máu não. Ngoài ra cần tránh những yếu tố có thể tạo nên điều kiện xuất hiện tai biến mạch máu não như tình trạng stress tâm lý, gắng sức quá nhiều, bị lạnh đột ngột, uống nhiều rượu bia, có cơn tăng huyết áp...
Việc tăng cường các hoạt động thể lực giúp máu lưu thông tốt hơn, điều hòa nhịp tim, bình ổn huyết áp từ đó làm giảm nguy cơ tai biến mạch máu não. Theo nghiên cứu việc tập thể dục thường xuyên có thể giảm nguy cơ tai biến mạch máu não lên đến 50%. Vì vậy, bạn nên rèn cho mình thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài tập vừa sức.