1Sảy thai là gì?
Tên gọi khác: hư thai, sẩy thai.
Là khi thai bị tống xuất ra khỏi buồng tử cung, chấm dứt thai kỳ trước tuổi thai có thể sống được một cách độc lập bên ngoài tử cung (ngay cả khi có sự can thiệp của y tế). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Sảy thai khi thai bị tống xuất ra khỏi buồng tử cung trước tuần thứ 22 của thai kỳ hoặc trọng lượng nhỏ hơn 500 gam. Sảy thai sớm là trường hợp sảy thai trước 12 tuần và sảy thai muộn là từ 12 - 20 tuần.
2Triệu chứng của sảy thai
Sảy thai có nhiều thể lâm sàng tuỳ theo từng giai đoạn, khởi đầu là doạ sảy thai, nếu không điều trị được sẽ dẫn đến sảy thai khó tránh, đang sảy thai; giai đoạn này nếu không được xử trí cấp cứu có thể dẫn đến các biến chứng như: sảy thai sót nhau, sảy thai băng huyết, sảy thai nhiễm khuẩn.
Do đó, khi có những dấu hiệu của doạ sảy thai bạn nên đi khám ngay:
- Triệu chứng chủ yếu nhất là ra máu âm đạo. Ra máu đỏ hoặc máu đen, lượng ít, có thể kéo dài nhiều ngày, máu thường lẫn với dịch nhầy. Đó là một dấu hiệu báo động về một quá trình thai nghén diễn ra không bình thường.
- Sản phụ có cảm giác tức, nặng bụng dưới hoặc đau lưng.
- Siêu âm: Rất cần thiết để đánh giá nguyên nhân chảy máu. Có hiện tượng bóc tách một phần nhỏ của bánh rau hay màng rau, bờ túi ối đều và rõ, có âm vang của phôi, có thể có tim thai hoặc không.
3Nguyên nhân gây sảy thai
Khoảng 50% trường hợp sảy thai có thể biết rõ nguyên nhân:
- Mẹ mắc các bệnh như: Bệnh tim, thận, đái tháo đường, giang mai, suy nhược cơ thể, thiếu vitamin.
- Viêm niêm mạc tử cung: bệnh Toxoplasmose, Listerioses.
- Nguyên nhân miễn dịch.
- Yếu tố môi trường: hút thuốc, uống rượu, bức xạ, độc tố.
- Rối loạn nhiễm sắc thể: thông thường gây sảy thai sớm trong 3 tháng đầu. Nếu nuôi cấy tổ chức của những bọc thai sảy để làm nhiễm sắc đồ thì khoảng 50 – 80% những trường hợp sảy là do rối loạn nhiễm sắc thể.
- Nhiễm khuẩn cấp: các nhiễm khuẩn làm thai chết hoặc do sốt gây nên cơn go tử cung và sảy thai. Thường gặp là Rubela, cúm, nhiễm Toxoplasma, sốt rét, viêm phổi...
- Sang chấn: sang chấn mạnh, đột ngột hoặc nhiều sang chấn nhỏ liên tiếp. Những sang chấn này có thể là những cảm xúc tự nhiên do sợ hãi, xúc động quá độ hoặc những chấn thương thực thể như chấn thương bụng hoặc phẫu thuật do nguyên nhân khác (vd: ruột thừa viêm).
- Thai làm tổ bất thường: làm tổ ở eo tử cung, đa thai, chửa trứng...
- Nguyên nhân ở tử cung: u xơ tử cung, dị dạng tử cung, hở eo tử cung. Bệnh nhân hở eo tử cung thường gây sảy thai đột ngột vào 3 tháng giữa của thai kỳ, trên lâm sàng xảy rất đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, cổ tử cung mở nhưng sản phụ không thấy đau, chuyển dạ xảy ra rất nhanh sau vài cơn co mạnh và vỡ ối. Các lần sảy sau có khuynh hướng xảy ra sớm hơn với trọng lượng thai nhỏ hơn. Ngoài thai kỳ, hở eo tử cung được chẩn đoán chắc chắn khi đút lọt nến Hegar số 9 qua cổ tử cung một cách dễ dàng.
- Nguyên nhân nội tiết.
- Bất đồng nhóm máu Rh giữa thai và mẹ.
4Điều trị sảy thai
- Nếu thai phụ có các triệu chứng của doạ sảy thai cần đến các trung tâm y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị. Quan điểm điều trị trong giai đoạn này là: nghỉ ngơi, ăn nhẹ chống táo bón, bổ sung sinh tố (nhất là vitamin E), giảm co bóp tử cung, điều trị bổ sung nội tiết... Do đó không nên đi đến bệnh viện ở cách quá xa nơi ở (cho dù đó là bệnh viện lớn).
- Sau khi sảy thai cần trao đổi với bác sĩ tìm nguyên nhân để phòng ngừa cho lần mang thai sau.
5Phòng ngừa sảy thai
Để giảm nguy cơ sảy thai có thể thực hiện các bước sau:
- Đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hướng dẫn để bảo vệ thai nhi, khám thai định kỳ.
- Trong thời gian mang thai, không uống những đồ uống có cồn cafe, nicotin và những chất gây nghiện khác.
- Nếu người mẹ đái tháo đường hoặc tăng huyết áp cần kiểm soát tốt huyết áp và đường huyết.
- Phát hiện và điều trị tốt những bệnh nhiễm trùng và nhiễm siêu vi.
- Giữ tâm lý thoãi mái và vui vẻ khi mang thai, tránh các sang chấn về tâm lý và vật lý.
- Có chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn một số sản phẩm không tốt cho thai nhi: cá thu, cá kình, hải sản nấu quá chín,...