1Mang thai
Sinh con là một trong những việc quan trọng nhất của cuộc đời người phụ nữ. Sự ra đời của một đứa trẻ khoẻ mạnh, lành lặn, không chỉ là niềm vui, hạnh phúc mà còn là niềm tự hào của mỗi gia đình, chính vì vậy các cặp vợ chồng hãy nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi có thai. Việc chuẩn bị trước sinh là hết sức quan trọng, đó chính là phương cách chủ động để mang thai an toàn, tránh được những điều đáng tiếc xảy ra khi bạn đã mang thai rồi mới biết, tránh được tình trạng gọi là thụ động đối phó với thai kỳ.
Sau khi đã chuẩn bị về kinh tế, nơi ở và tinh thần làm cha mẹ, các bạn hãy nên đến Bác sĩ để có những tư vấn, bàn bạc và những lời khuyên thích hợp.
2Những việc nên làm trước khi mang thai
Cần đảm bảo chỉ số cân nặng hợp lý: không quá mập cũng không quá ốm, vì cả hai trạng thái này đều ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.
Nếu bạn đang làm việc trong môi trường có hàm lượng chất độc cao, chẳng hạn như chì, thuỷ ngân, các chất phóng xạ... thì nên tránh xa, vì những độc tố này sẽ ngấm qua cơ thể qua đường hô hấp, qua đường tiếp xúc, sẽ có thể làm sẩy thai hoặc gây dị dạng cho thai nhi.
Tập thể dục thường xuyên: Việc tập thể dục sẽ giúp cho hệ tim mạch và cơ bắp khoẻ, giúp ích cho quá trình mang thai cũng như khi sinh đẻ sẽ dễ dàng hơn, và sau khi sinh cũng dễ lấy lại vóc dáng hơn.
Lập một chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng các dưỡng chất, tạo nên một nền tảng vững chắc cho cơ thể để chuẩn bị nuôi dưỡng thai nhi.
Uống bổ sung Axit Folic tối thiểu 1 tháng từ trước khi bạn có thai điều này giúp tránh được khiếm khuyết về ống thần kinh cho trẻ, ngoài thuốc ra, bạn có thể bổ sung bằng thức ăn tự nhiên giàu Folate như ngũ cốc, các loại đậu, rau lá xanh và nước cam...
Cố gắng tạo một môi trường sống lành mạnh, vui vẻ, không bị stress nhiều, vì nếu bị stress nhiều có khả năng sẩy thai, sanh non, sanh trẻ nhẹ cân, và trẻ khi lớn tính tình sẽ dễ cáu gắt.
Nên tẩy giun trước khi có thai.
Cần khám răng để điều trị sớm vì khoa học đã chứng minh có sự liên quan giữa nguy cơ thai nhi bị chết lưu và việc bà mẹ bị bệnh răng miệng khi mang thai.
Đến khám bác sĩ để được kiểm tra sức khoẻ tổng quát:
- Bạn sẽ được bác sĩ hỏi kỹ về tiền căn bệnh tật, tiền căn sanh con không bình thường của vợ chồng bạn, của những người ruột thịt trong gia đình, từ đó có hướng làm những xét nghiệm cần thiết để kiểm tra xem vợ chồng bạn có nguy cơ sanh con bất thường không, ví dụ như bệnh Thalassemia, Hội chứng Down...
- Tầm soát một số bệnh lây qua đường tình dục như giang mai, lậu. Nếu có phải điều trị trước khi có thai.
- Xét nghiệm kiểm tra xem có nhiễm HIV, Viêm gan siêu vi để có biện pháp dùng thuốc dự phòng cho trẻ sơ sinh.
- Bạn còn được kiểm tra xem có kháng thể với Rubella chưa, nếu chưa có sẽ được khuyên nên chích ngừa trước khi có thai.
- Bạn sẽ được kiểm tra phụ khoa, xét nghiệm huyết trắng xem có tình trạng viêm nhiễm đặc biệt không, và làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.
- Siêu âm kiểm tra xem có u bướu, hay có bất thường gì ở cơ quan sinh dục không...
3Những việc không nên làm trước khi mang thai
Không nên hút thuốc, uống rượu bia, hay các chất kích thích khác như cafe, các loại thuốc không cần thiết.
Nên ngưng ngay thuốc tránh thai trước 3 tháng, và hạn chế mặc các loại quần áo bó sát, chật chội.
Không tiếp xúc với súc vật nuôi có bọ chét như chó, mèo, vì chúng có khả năng lây bệnh Toxoplasmose cho người và có khả năng gây hại cho thai nhi.
Chị em nên hạn chế sử dụng mỹ phẩm, tránh các hóa chất độc hại gây ảnh hưởng đến cơ thể.
Không nên bổ sung dinh dưỡng quá mức sẫn đến thừa cân, vì chúng dễ gây ra các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp trong thai kỳ.
Mặc dù có rất nhiều phụ nữ mang thai một cách bình thường mà không cần chuẩn bị gì trước, tuy nhiên việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi có thai sẽ làm tăng đáng kể cơ hội mang thai một cách suôn sẻ, và sẽ làm giảm đáng kể những rủi ro trong thai kỳ, giúp cho vợ chồng bạn tự tin hơn khi quyết định có thai. Việc mang thai không chỉ có người mẹ mà còn phụ thuộc vào người cha. Chính vì thế, người cha cũng hạn chế hút thuốc, sử dụng chất kích thích và nên quan tâm đến người mẹ nhiều hơn.