1Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý nằm chung nhóm thoái hóa. Thoái hóa cột sống cổ gồm các biến đổi về cấu trúc xương sống, các mấu khớp giữa các đốt sống, đĩa đệm mất nước, vòng xơ bao đĩa đệm, dây chằng liên gai, dây chằng dọc sống gây chèn ép các cấu trúc chứa trong cột sống như tủy sống hay các dây thần kinh chui ra từ các lỗ của đốt sống.
Thoái hóa cột sóng cổ gây đau cột sống, cứng cổ, có thể xuất hiện các trạng thái tê yếu tay do chèn ép các dây thần kinh ngoại biên. Nặng hơn tình trạng biến đổi cấu trúc gây thoát vị đĩa đệm gây dày dây chằng làm hẹp ống chứa tủy sống, gây chèn ép tủy sống gây ra hiện tượng yếu liệt tứ chi.
Thoái hóa đốt sống cổ hay còn có tên gọi khác là viêm khớp cổ, thoái hóa cột sống cổ hay thoái hóa cột sống lưng. Đây là là tình trạng viêm dày và lắng tụ Canxi ở các dây chằng dọc ống sống gây hẹp các lỗ chui ra của các rễ thần kinh gây đau mỏi tê, lâu dần gây yếu liệt các nơi mà rễ thần kinh này chi phối.
Ngoài ra, sự thoát vị của các nhân đĩa đệm chèn vào tủy sống cũng gây chèn ép rễ thần kinh.
Hậu quả là đầu tiên hư khớp ở các diện thân đốt, đĩa liên đốt tới các màng, dây chằng. Sau đó, các đốt sống bị thoái hóa gây đau cổ, đặc biệt khi cử động. Thoái hóa đốt sống cổ tiến triển sẽ hình thành các gai xương kích thích các dây thần kinh, dây chằng và các cơ xung quanh đó gây đau, nếu nặng sẽ gây yếu, liệt chi. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây đau cổ ở người lớn tuổi.
2Triệu chứng và chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ
Triệu chứng:
Bệnh nhân cảm thấy đau cổ và đau nhiều hơn vào buổi sáng khi ngủ dậy. Ngoài ra cảm giác cứng sượng vùng cổ giảm dần khi vận động. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ thấy tê tay, yếu cử động các vùng của tay, có thể tứ chi hoặc thay đổi dáng đi lại. Hiện tượng tê tay còn diễn tiến nhiều hơn khi cổ vận động theo một hướng nhất định.
Chẩn đoán:
Bác sĩ có thể hỏi bệnh sử của bệnh nhân và khám lâm sàng. Và để xác định mức độ thoái hóa của đốt sống cổ, có thể làm các xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), đo điện cơ.
3Nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ
Nguyên nhân thoái hóa chung thường do tuổi tác. Từ khi 30 tuổi trở đi, cơ thể con người bắt đầu tiến trình lão hóa. Vùng bị thoái hóa nhiều là vùng chúng ta sử dụng nhiều hoặc có sang chấn hay do sử dụng sai cách.
Sai tư thế là nguyên nhân hàng đầu gây đau cổ. Ngoài ra, làm việc kéo dài, ít vận động cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra căn bệnh này.
Các sai lệch cấu trúc bình thường của cổ có thể do cúi nhiều, ngửa nhiều, mang vác nặng trên đầu, ngồi lâu trước màn hình vi tính, đặc biệt là khi vị trí đặt tay trên bàn làm việc hay đối với máy tính quá cao hoặc quá thấp. Khi làm việc, vùng cổ và vùng gáy không được thường xuyên cử động, hoặc chỉ giữ nguyên một tư thế. Thường xuyên nhìn lên rồi lại nhìn xuống. Vị trí ngồi quá thấp so với bàn làm việc. Chỉ nằm 1 - 2 tư thế khi ngủ, kê gối quá cao hoặc gối quá mềm. Các sai lệch này sẽ dẫn tới biến đổi mô xương, dây chằng, cơ và kết quả theo thời gian dẫn đến thoái hóa các mô cột sống.
4Điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Tùy theo triệu chứng và mức độ thoái hóa của đốt sống cổ mà tiến hành điều trị cho phù hợp.
Thuốc làm chậm quá trình thoái hóa khớp.
Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ: Thuốc giảm đau, giãn cơ, thuốc chống viêm không Steroid/ NSAIDs (Ibuprofen/ Motrin hoặc Advil, Naproxen/ Naprosyn), Acetaminophen (Tylenol), tiêm cortisone.
Nghỉ ngơi, thư giãn, tập thể dục vùng cổ phù hợp và vật lý trị liệu an toàn.
Tiến hành phẫu thuật nếu đau dai dẳng, mất cảm giác hoặc yếu cơ ở tay hay tứ chi.
5Phòng ngừa bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Khi ngồi làm việc, nhất là ngồi lâu, nên điều chỉnh ghế để cho 2 cánh tay song song nền nhà, giữ thẳng lưng và 2 vai ngang bằng.
Nếu khi ngủ chỉ giữ nguyên 1 hay 2 tư thế sẽ có nguy cơ bị vẹo cổ. Nằm sấp sẽ làm cổ gập xuống hay dùng gối đầu quá cao. Tuyệt đối không vặn hoặc ấn cổ vì có nguy cơ cao trật khớp mỏm nha sẽ gây liệt tứ chi hoặc tử vong.
Chế độ dinh dưỡng giàu Canxi (sữa, thủy sản,…) giúp ngừa loãng xương và ăn nhiều rau, trái cây để bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết.
Một số lưu ý:
Nên ngồi đúng tư thế trước máy tính.
Động tác vặn bẻ cổ đột ngột sẽ làm tăng thoái hóa đốt sống cổ.
Không mang vác nặng trên đầu.
Không cúi lâu.
Đi tàu, xe cần tìm chỗ ngồi có chỗ tựa đầu, lưng.
Cần luyện tập thể dục nhẹ nhàng và xoa bóp theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Không nên bấm nắn vặn vẹo thô bạo dễ gây ra những tổn thương nghiêm trọng mạch, dây thần kinh vùng cổ.
Đau đầu, cổ, gáy lan xuống cánh tay, liệt yếu tứ chi, cần đi khám ngay.
Sau mỗi ngày lao động vất vả nên xoa bóp nhẹ nhàng vùng cổ. Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, tránh quá sức.
Ăn uống khoa học, có thể tập vài động tác hay vươn vai đơn giản, không ngồi trước màn hình quá lâu.
Ghế làm việc phải có chiều cao thích hợp so với bàn làm việc, không quá thấp hay quá cao.
Dùng máy tính màn hình lớn tối thiểu 17 inch.
Màn hình nên dưới tầm nhìn từ 10 – 20 độ.