1Sốt là gì?
Sốt là phản ứng của cơ thể với các chất gây sốt hay còn gọi là tác nhân xâm nhập. Khi đó nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên so với mức bình thường (37oC). Nhiệt độ đo được có thể là 37,5oC ở trực tràng hay 38oC ở nách. Đây là một phản ứng có lợi của cơ thể nhằm ức chế sự phát triển của tác nhân gây bệnh như virus hoặc vi khuẩn.
2Triệu chứng của Sốt
Sốt có thể gây ra những biểu hiện rõ ràng hoặc không rõ ràng, có thể phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, trẻ càng nhỏ thì biểu hiện càng khó nhận ra.
Biểu hiện thường gặp nhất là:
- Thân nhiệt tăng có thể cảm thấy ấm hoặc nóng.
- Trẻ khóc quấy.
- Ngủ li bì.
- Trẻ kém ăn.
- Có thể thở dốc, co giật.
3Nguyên nhân mắc bệnh Sốt
Có rất nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ. Có thể sốt không do nhiễm trùng hoặc sốt do nhiễm trùng gây ra.
Nguyên nhân gây sốt không do nhiễm trùng có thể là:
- Do trẻ mọc răng.
- Do tiêm vắc xin.
- Ở ngoài trời nắng nóng trong thời gian dài.
- Do mặc quá nhiều quần áo làm tăng thân nhiệt ở trẻ.
Sốt không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng khi bị mắc một số bệnh do nhiễm trùng. Các bệnh đó có thể là:
- Do cảm cúm.
- Do viêm phổi.
- Sốt do viêm tai giữa.
- Sốt phát ban.
- Sốt xuất huyết.
- Sốt do lên sởi.
- Sốt do nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng huyết,…
- Sốt do viêm màng não.
- Sốt do lao, thương hàn hoặc sốt rét.
4Điều trị Sốt
Có thể hạ sốt tại nhà cho trẻ. Nhưng phải lưu ý vì đây là giai đoạn quan trọng giúp trẻ tăng sức đề kháng và mau hạ sốt.
Việc chăm sóc cần thiết làm những việc như sau:
- Theo dõi nhiệt độ và cho hạ nhiệt.
+ Cần phải theo dõi nhiệt độ và làm hạ nhiệt để giúp trẻ cảm thấy được thoải mái, thường dùng paracetamol cho trẻ sốt với liều lượng 10mg/kg/lần (4-6 tiếng/lần).
+ Nới lỏng quần áo cho trẻ, ngay cả vào mùa đông. Chườm bằng khăn ấm và lau khắp người cho trẻ, nhưng không được quá 10 phút/lần (chỉ áp dụng nếu trẻ sốt cao hoặc sốt gây khó chịu cho trẻ).
- Bù nước cho trẻ.
+ Cho trẻ uống nhiều nước khi bị sốt có thể là nước hoa quả, nước súp hoặc dung dịch oresol….
+ Lưu ý trẻ có thể đi tiểu 4 tiếng/lần và đây là biểu hiện thông thường của trẻ khi được cung cấp đủ nước.
- Theo dõi các dấu hiệu bất thường.
+ Cha mẹ cần theo dõi thật cẩn thận các biểu hiện khi trẻ bị sốt nếu có bất cứ vấn đề gì, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Khi trẻ có bất cứ biểu hiện như li bì, bỏ ăn bỏ bú, co giật, phát ban, thở nhanh và sâu, khó thở, đau đầu, nôn nhiều hoặc trẻ dưới 2 tháng tuổi có sốt thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị.
5Phòng ngừa bệnh Sốt
Các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt cho trẻ có thể là:
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng đa dạng, cân đối. Vitamin C hoặc thuốc bổ cũng có thể hỗ trợ sức đề kháng cho cơ thể. Rèn luyện thể dục thể thao cũng như phải tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.
- Hướng dẫn trẻ rửa tay sạch sẽ, vệ sinh cơ thể, các thức ăn phải đảm bảo vệ sinh, cho trẻ ngủ mùng để dự phòng các nguyên nhân gây bệnh là siêu vi và vi khuẩn.
- Không cho trẻ vận động quá lâu ngoài trời nắng, khi đi ra ngoài phải có nón và khăn che, khi trẻ ra nhiều mồ hôi phải lau khô cho trẻ tránh tắm ngay vì có thể gây ra cảm sốt, không cho trẻ nằm ngay hướng gió hay hướng thổi của máy lạnh, nhà cửa cần thông thoáng.
- Cho trẻ tiêm ngừa theo lịch tiêm chủng quốc gia. Khi tiêm ngừa có thể khiến trẻ bị sốt nhẹ, nên dự phòng thuốc hạ sốt nếu trẻ không hạ sốt và bất cứ vấn đề gì hãy báo với cán bộ y tế.